Điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến từ ngày 04/3/2024 - 11/3/2024 (Phần 1)

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong tuần qua (04/03 - 10/03/2024) với series "Điểm tin tuần" của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

1. CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG.

Thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Thậm chí có nạn nhân bị lừa nhiều nhất 57 tỷ đồng.

Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến có thể kể đến như: kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân…

Đáng chú ý, giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng trong thời gian qua cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch, các website đối tượng đưa ra. Dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo dù không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Nhiều nhóm đối tượng trong nước lập ra các sàn, trang web đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, hoặc thậm chí tự cho ra đời các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cao.

Các đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia vào nhóm, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tiền của người tham gia. Mục đích cuối cùng là nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Trên thực tế, tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền mã hóa chưa cụ thể, rõ ràng, người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa công khai trên không gian mạng và qua các sàn giao dịch quốc tế cũng như các sàn giao dịch trong nước, hoặc thông qua ứng dụng OTT, hay trên các hội nhóm, diễn đàn.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng. Tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

2. LÂM ĐỒNG: TUYỆT ĐỐI CẢNH GIÁC TRƯỚC CHIÊU TRÒ "HỖ TRỢ LẤY LẠI TIỀN BỊ LỪA ĐẢO".

Trên không gian mạng trên phạm vi cả nước, cơ quan chức năng ghi nhận có nhiều trường hợp người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng…

Theo Công an TP Đà Lạt, gần đây trên các Fanpage thường xuyên có nhiều bình luận đăng tải quảng cáo dịch vụ lấy lại được tiền bị treo, bị lừa đảo với những thông tin mập mờ, mang tính chất dẫn dụ, không để lại thông tin xác thực. Các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"…, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư… Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết". Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Hàng loạt những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội,  tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

 

Các tin liên quan

1. Lộ diện hình thức lừa đảo thông báo dịch vụ chữ ký số hết hạn

2. Mất tiền tỷ vì bị lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, đổi ngoại tệ

3. Tái diễn chiêu lừa cộng tác viên online

4. Điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến từ ngày 04/3/2024 - 11/3/2024 (Phần 2)

5. Điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến từ ngày 11/3/2024 - 18/3/2024

6. Điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến từ ngày 18/3/2024 - 24/3/2024