Nhận thức ATTT của nhiều người Việt chưa đủ bảo vệ mình trước những mối đe dọa tấn công mạng
Theo đánh giá của ông Trần Đăng Khoa, đại diện Cục ATTT, nhận thức về bảo đảm ATTT của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng trong cộng đồng hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đủ để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, mối đe dọa về ATTT trong thực tiễn. Do đó, công tác đảm bảo an toàn chưa được triển khai tương xứng với yêu cầu đặt ra dẫn đến vẫn còn tình trạng bị tấn công mạng, lộ lọt thông tin mà người sử dụng không biết hoặc không thể xử lý được.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu người sử dụng nhận thức đầy đủ và được trang bị các kỹ năng đảm bảo ATTT cơ bản thì có thể tự phòng tránh được tới hơn 80% các nguy cơ mất ATTT khi tham gia vào không gian mạng.
"Tôi cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất là các cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng ngày càng ứng dụng CNTT và sử dụng các dịch vụ trên Internet nhiều hơn. Đây là một xu thế tất yếu. Nhưng việc không nhận thức đủ hoặc nhận thức được nhưng không triển khai các biện pháp đảm bảo ATTT tương ứng cho mình, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng sẽ càng phải đối mặt nhiều hơn với các nguy cơ tấn công mạng dẫn đến thiệt hại về uy tín cũng như kinh tế", ông Khoa cho hay.
Một chuyên gia khác là ông Trần Minh Quảng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm An ninh mạng Viettel cũng đồng tình rằng nguyên nhân chính là do người sử dụng Internet tại Việt Nam chưa thực sự chú ý đến việc đảm bảo an toàn thông tin, phòng tránh lây nhiễm mã độc cho máy tính của mình. Người dùng vẫn còn có nhiều hành vi sử dụng Internet không an toàn như sử dụng các phần mềm lậu, truy cập các trang web không uy tín, hoặc không sử dụng các phần mềm bảo vệ máy tính của mình.
Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm phát tán mã độc nhiều nhất trong nước cũng là điều dễ hiểu bởi Hà Nội và TP.HCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời cũng là nơi có lượng người dùng Internet thuộc Top nhiều nhất cả nước.
Cũng theo ông này, việc sử dụng các phần mềm lậu, các chương trình “crack” tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thông tin. Các phần mềm này không được cung cấp bởi các công ty uy tín, và đôi khi được gắn kèm các phần mềm độc hại, cài đặt ngầm vào máy tính người sử dụng. Do đó, người dùng không nên sử dụng các phần mềm lậu, không rõ nguồn gốc để có thể bảo vệ một cách tốt nhất máy tính của mình.
Để hạn chế tình trạng này, đại diện Cục ATTT cho biết đơn vị này đang chủ trì tổ chức triển khai đề án 893 về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm đảm bảo ATTT đến năm 2020 với nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng bảo đảm ATTT cho người sử dụng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai đề án này với nhiều hoạt động hơn nữa để nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng".
Dù vậy, vị này cũng nhấn mạnh: Nhận thức và kỹ năng là vấn đề rất quan trong hoạt động bảo đảm ATTT. Do đó, đây phải là hoạt động liên tục, thường xuyên. Các quốc gia mạnh về ATTT trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,…cũng liên tục triển khai các chương trình nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm ATTT cho các cơ quan chính phủ và người sử dụng trong toàn cộng đồng do thực tế luôn xuất hiện những điểm yếu, lỗ hổng và hình thức tấn công mạng mới. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cần được ưu tiên thực hiện với giới trẻ khi mới tham gia vào môi trường mạng.
Nguồn: http://ict.thanhhoa.gov.vn/tin-chuyen-nganh/nhan-thuc-attt-cua-nhieu-nguoi-viet-chua-du-bao-ve-minh-truoc-nhung-moi-de-doa-tan-cong-mang-11902.html