Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...

   Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ 2021-2026. Tại Thanh Hóa, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, định hướng để các cấp, các ngành chung sức thực hiện chuyển đổi số với 03 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số để thúc đẩy phát triển xã hội tiến tới xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.

   Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh nâng cao việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, duy trì thực hiện 100% việc xử lý, điều hành trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường. Phối hợp với UBND huyện Hà Trung, Nga Sơn, Như Thanh và Viễn thông Thanh Hóa triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 03 xã (Hà Sơn, Nga An và Yên Thọ), trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp của tỉnh về chuyển đổi số và triển khai thí điểm chuyển đối số cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…


Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hoạt động Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu của tỉnh

  Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước cho việc xử lý, điều hành và gửi, nhận văn bản trên môi trường điện tử. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là tỉnh đang triển khai rất hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cổng DVC trực tuyến của tỉnh cung cấp 835 dịch vụ mức độ 3, mức độ 4 (164 dịch vụ công mức độ 3 và 671 dịch vụ công mức độ 4). Tính đến tháng 5/2021: Tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống Cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa là 253.288 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 là 29.524 hồ sơ, đạt tỷ lệ 84%; hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 là 47.623 hồ sơ, đạt tỷ lệ 76,6%. Từ ngày 16/9/2019 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận: 707.746 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Hiện tại Thanh Hoá đã tích hợp 655 DVC mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc Gia cùng với triển khai tích hợp các hệ thống thanh toán trực tuyến (VNPT Pay, PayGov); Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để tỉnh ta thực hiện chuyển đổi số.

  Trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với trục liên thông của Quốc gia nhằm phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 04 cấp từ Trung ương đến cấp xã và trao đổi giữa các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Hệ thống Cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan nhà nước.

  Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: nhận thức còn chưa đầy đủ về ý nghĩa ở một bộ phận không nhỏ trong cán bộ và các doanh nghiệp; việc triển khai, thực hiện chuyển đổi số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải,... Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Cơ sở dữ liệu các ngành chưa được triển khai đồng bộ, còn tình trạng rời rạc, cát cứ thông tin dẫn đến việc liên kết, liên thông dữ liệu còn khó khăn, chưa chia sẻ, sử dụng dữ liệu thuận lợi giữa các cơ quan nhà nước. Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số.

  Có thể khẳng định chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục, xuyên suốt; không thể thực hiện trong thời gian ngắn vì thực chất của chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng công nghệ. Chuyển đổi số phải được triển khai toàn diện, đồng bộ với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo UBND tỉnh về Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa

  Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có quyết tâm và trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình  thực hiện chuyển đổi số; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

  Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng viễn thông - CNTT theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng mạng 4G, 5G, ưu tiên phát triển tại các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu du lịch,…; phổ cập thuê bao cáp quang tại các hộ gia đình. Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm, thí điểm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Triển khai các nền tảng số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số…; Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.
  Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh; hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
 

Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin của tỉnh

  Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt, hướng dẫn quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ 03 trụ cột của chuyển đổi số đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, khó lường; tạo đà để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Cụ thể là:

  Một là, tập trung triển khai Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2025 đề ra, trong đó lấy người dân làm trung tâm để hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số; kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 01 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên đạt 50%,…

  Thứ hai, cần tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng,…

   Thứ ba, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô vào đầu tư tại Thanh Hóa làm động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thu hút, kêu gọi, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trên địa bàn tỉnh.

   Thứ tư, một yếu tố rất quan trọng để chuyển đổi số thành công đó là tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng số, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa dữ liệu, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu…, phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số.

 

Ths. Đỗ Hữu Quyết

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

 

 
 

Các tin liên quan

1. 6 dấu hiệu nhận biết máy tính bị nhiễm mã độc và cách phòng tránh

2. TỔNG QUAN VỀ LUẬT AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG

3. Video các tập phim phục vụ tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về An toàn thông tin

4. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

5. THỐNG KÊ TÌNH HÌNH AN TOÀN THÔNG TIN

6. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam